Nóng với dịch vụ giặt là công nghiệp ngày rét đậm, giặt là công nghiệp thời điểm này là một trong những dịch vụ hút khách nhất thời điểm hiện tại
Miền Bắc đang trải qua những ngày rét đậm rét hại, lạnh đến thấu xương của mùa đông. Nắm bắt tình hình đó, nhiều tiệm giặt là mọc lên như nấm khắp Hà Nội, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông sinh viên, người nhập cư như các phố Yên Hòa, Cầu Giấy, Tô Hiến Thành, Cửa Bắc… Đây là một trong những dịch vụ hút khách nhất thời điểm hiện tại.
Theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn, từ đêm 16.12 và sáng 17.12, không khí lạnh tiếp tục tăng cường, miền Bắc trong đó có thủ đô Hà Nội tiếp tục hứng chịu những đợt rét đậm rét hại, vì thế mà sinh hoạt của người dân trở nên khó khăn, quần áo tuy nhanh khô nhưng khó giặt, đặc biệt là các loại quần áo dày từ các chất liệu lông, len, dạ, nỉ…
Đồ được khách hàng mang đến giặt có đủ loại, từ quần áo, khăn mũ cho đến chăn đệm, thú bông… Các cửa tiệm giặt là cũng cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau cho khách hàng lựa chọn: giặt khô, giặt ướt, là hơi, sấy công nghiệp… Chính bởi sự đa dạng và “hợp thời, hợp trời” ấy mà những ngày này các cửa tiệm giặt là lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập khách ra vào.
Nhiều cửa hàng chạy tới 20 máy giặt nhưng vẫn không đủ để phục vụ khách
Các máy giặt luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất. Có những cửa tiệm với gần 20 máy chạy liên tục cũng không kịp phục vụ nhu cầu khách hàng.
Chị Thu Vân, nhân viên tiệm giặt là trên phố Hoa Bằng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Trời rét đậm nên khách đến giặt nhiều gấp đôi, gấp ba ngày thường. Chúng tôi thay nhau làm liên tục nhưng đôi khi đến nửa đêm vẫn không hết việc”.
Khách hàng tìm đến dịch vụ giặt là thường là sinh viên, người nhập cư hay những người có công việc quá bận rộn, nhà không có máy giặt hoặc muốn giặt lấy ngay. Anh Vũ Duy (Đống Đa, Hà Nội) nói: “Tôi là con trai, lại đi làm cả ngày, mùa này đồ thay ra vừa dày vừa nặng, tự giặt tay thì thấy rất phiền toái nên thường gom quần áo lại rồi đem ra hàng giặt một lượt”.
Trước khi đưa quần áo vào máy giặt, nhân viên các cửa tiệm phân loại từng món đồ của khách hàng, đặt vào các giỏ đựng riêng. Điều này yêu cầu nhân viên phụ trách giặt đồ phải thực sự chú ý, nếu không sẽ rất dễ xảy ra tình trạng nhầm lẫn, thất thoát quần áo, đồ đạc của khách.
Với những loại quần áo thông thường, khách hàng chỉ cần chờ 3-4 tiếng đồng hồ là có thể lấy về. Sau khi công việc giặt, sấy hoàn tất, quần áo được gấp gọn gàng và xếp vào trong những chiếc túi nilon có ghi ký hiệu hoặc tên khách hàng.
Quần áo được bọc thành từng túi và xếp chồng lên nhau chất đầy giá đỡ. Vì số lượng quần áo rất lớn nên khi làm đến đâu, nhân viên ghi tên khách hàng luôn đến đó để tránh nhầm lẫn. Có cửa hàng dán số hiệu khách lên túi, có nơi lại dùng bút màu trực tiếp viết tên khách ngoài vỏ bao.
Chăn là loại đồ được khách mang đi giặt nhiều nhất ở thời điểm này
Từ mấy ngày nay, áo khoác là loại đồ được mang đến các cửa tiệm giặt là nhiều nhất. Giá giặt một chiếc áo dạ, áo phao hoặc áo lông thường dao động từ 50-60.000đ/chiếc. Khách hàng chờ nửa ngày là có thể lấy về. Những chiếc áo khách chưa lấy thì được bọc bằng nilon và treo trên giá để quần áo luôn phẳng phiu.
Áo da là loại áo khoác cần chi phí giặt lớn nhất. Giá giặt khô, là hơi một chiếc áo da vào khoảng 70-90.000đ. Vì đặc thù của chất liệu da, áo không thể bỏ vào máy giặt theo cách thông thường mà phải được tiến hành xử lý một cách cẩn thận. Khách hàng cũng có thể yêu cầu thêm dịch vụ làm mới đối với các loại quần áo da.
Chăn cũng là một trong những sản phẩm giúp các cửa hàng giặt là “bội khách” những ngày này. Chị Phương, nhân viên một tiệm giặt là tại phố Yên Hòa cho biết, mỗi ngày cửa hàng chị nhận giặt từ 10-15 chiếc chăn. Giá giặt ướt, sấy khô một chiếc chăn mỏng các nơi dao động từ 15-25.000đ và chăn loại dày là khoảng 40-60.000đ/chiếc. Đối với dịch vụ giặt khô là hơi, phí giặt tăng thêm từ 5-10.000đ/chiếc.